All posts by hieuminnesota

Lớp Vỡ Lòng

Lớp vỡ lòng là lớp nhỏ nhất, các em lớp vỡ lòng  sẽ được học hát và học thuộc lòng hết 29 chữ cái (17 phụ  âm đơn và 12 nguyên âm), số (0-20), dấu (Dấu sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng) và còn 11 phụ âm ghép thì cũng cho các em biết. Nếu các em vững rồi thì thử ráp vần. Thi lên lớp thì chỉ 29 chữ cái, số và dấu.

Lớp Mẫu Giáo

Lớp mẫu giáo là lớp đầu tiên trong chương trình Việt ngữ vì được soạn theo khuynh hướng chung của các trường Việt ngữ là nhận học sinh từ 6 – 7 tuổi.  Học sinh lớp mẫu giáo đã biết viết các chữ cái nên tiến trình dạy đánh vần bắt đầu từ đây; không phải qua giai đoạn tập viết.

 

Khi học hết lớp mẫu giáo, học sinh phải đạt được những điều sau đây:

  1. Học sinh phải biết nhận diện, đánh vần, phát âm, và viết được 29 mẫu tự.
  2. Học sinh phải biết cách đọc phụ âm ghép, ráp vần.
  3. Học sinh phải biết về con số và màu sắc, nhưng không nhất thiết phải biết viết các từ vựng này.
  4. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu.
  5. Hoàn tất 4 lần thi.

Lớp 1

Vài lưu ý về việc dạy lớp một chương trình sách lớp 1, ngoài phần dạy đánh vần còn thêm phần tập đọc, viết chính tả và kiến thức tổng quát.  Các bài tập đọc được cố gắng viết với đa số ngữ vựng đã được học, tuy rằng có một số chữ bao gồm các vần chưa được học tới. Trong trường hợp này thì học sinh cần phải thuộc lòng cách phát âm. Mục đích của phần tập đọc là giúp học sinh biết mặt chữ. Bằng cách này và theo thời gian được lặp đi lặp lại, học sinh sẽ quen dần với những vần chưa học tới và sẽ dễ tiếp thu khi học tới những vần khó hơn về sau. 

Khi học hết lớp 1, học sinh phải đạt được những điều sau đây:  

  1. Học sinh phải đọc và viết thông thạo: phụ âm kép của tiếng Việt Nam (ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr)
  2. Học sinh phải ráp vần thông thạo
  3. Học sinh phải đọc câu ngắn đơn giản
  4. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu

Hoàn tất 4 lần thi

Lớp 2

Vài lưu ý về việc dạy lớp hai khi lên tới lớp hai, học sinh đã tương đối biết tự đánh vần. Thầy cô không cần phải dạy đánh vần một cách chi tiết nữa mà chỉ cần dạy các em đọc vần rồi để tự các em ráp dấu và các phụ âm để đọc ra chữ. Dần dần các em sẽ quen và từ đó mới có thể bắt đầu đọc một cách trôi chảy. Về bài tập đọc, yêu cầu đọc và viết ra giấy nháp 3 lần là với mục đích cho các em viết chính tả chính xác. Điều này cần thực hiện qua phần bài tập làm ở nhà và không nên bỏ qua. 

Khi học hết lớp 2, học sinh phải đạt được những điều sau đây:

  1. Đọc và viết thông thạo: nguyên âm và phụ âm kép của tiếng Việt Nam (ay, ây, am, ăm, âm, an, ăn, ân, ao, au, âu, ac, ăc, âc, ap, ăp, âp, at, ăt, ât, em, êm, im, en, ên, in, ep, êp, ip, et, êt, it)
  2. Học sinh phải có khả năng tự đánh vần ngầm trong đầu, rồi sau đó phát âm ra chữ.
  3. Học sinh có thể đặt được một câu ngắn đơn giản theo câu mẫu
  4. Học sinh có thể đọc trôi chảy đoạn văn ngắn 4-5 dòng
  5. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu

Hoàn tất 4 lần thi

Lớp 3

Vài lưu ý về việc dạy lớp ba, về vần của lớp ba cũng giống lớp hai; tức là không cần phải ráp từng mẫu tự mà chỉ cần dạy cách đọc vần rồi để học sinh tự đọc khi ráp các phụ âm và dấu vào vần. Những bài tập đọc của lớp ba bắt đầu dài hơn với những đề mục đa dạng và có phần lịch sử để học sinh học thêm những từ vựng mới. Phần tập đặt câu cần phải chú trọng và yêu cầu học sinh làm câu đầy đủ ý nghĩa và dài hơn với sự cố gắng thêm vào những ý tưởng phụ. Những câu trong phần điền vào chỗ trống và câu trả lời cho những câu hỏi trong bài tập đọc là những cơ hội thực tập cách đặt câu.

Khi học hết lớp 3, học sinh phải đạt được những điều sau đây:

  1. Đọc và viết thông thạo: nguyên âm và phụ âm kép của tiếng Việt Nam (ay, ây, am, ăm, âm, an, ăn, ân, ao, au, âu, ac, ăc, âc, ap, ăp, âp, at, ăt, ât, em, êm, im, en, ên, in, ep, êp, ip, et, êt, it)
  2. Học sinh có thể đọc trôi chảy toàn bài học ngắn.
  3. Học sinh có thể đặt được một câu dài và đầy đủ ý nghĩa.
  4. Học sinh có thể giải nghĩa những từ mới trong bài học
  5. Học sinh có thể đàm thoại về đề tài đã học trong sách (gia đình, xã hội, và nhà trường)
  6. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu

Hoàn tất 4 lần thi

Lớp 4

Những đề tài của bài học bắt đầu trở nên đa dạng với mục đích tạo cho học sinh nguồn ngữ vựng phong phú về mọi khía cạnh của cuộc sống. Chủ đề về lịch sử bắt đầu từ thời lập quốc, đặc biệt chú trọng những anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước. Vì để thích hợp với trình độ học sinh, bài sử đã được viết giản dị hóa nên có thể không đầy đủ. Thầy cô dạy bài sử cũng nên tìm hiểu thêm về bối cảnh lịch sử để giải thích rõ hơn cho học sinh.

Khi học hết lớp 4, học sinh phải đạt được những điều sau đây:

  1. Học sinh có khả năng tìm được đại ý của bài học
  2. Học sinh có khả năng giải nghĩa những từ mới bằng tiếng Việt trong phạm vi bài học.
  3. Học sinh có khả năng nghe, hiểu, và trả lời câu hỏi bằng tiếng Việt trong phạm vi bài học.
  4. Học sinh có khả năng đặt câu dài và phức tạp dựa theo các từ cho sẵn
  5. Học sinh có khả năng đọc trôi chảy toàn bài học dài.
  6. Học sinh có thể đàm thoại về đề tài đã học (lịch sử, anh hùng dân tộc, truyền thống, gia đình, xã hội, và nhà trường)
  7. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu

Hoàn tất 4 lần thi

Lớp 5

Các em bắt đầu giai đoạn tập viết một đoạn văn dài. Thầy cô nên khuyến khích học sinh đặt những câu dài với nhiều ý tưởng phụ thuộc để dẫn tới việc viết một đoạn văn. Các đề tài của bài tập đọc bắt đầu đi vào những đề tài phong tục tập quán phức tạp hơn. Bài lịch sử bao gồm các vị anh hùng dân tộc để nêu cao tinh thần yêu nước của Việt Nam. Ngoài ra với mục đích giáo dục về lòng yêu nước Việt Nam, một số bài tập đọc sẽ hướng về chủ đề này vào phần cuối sách. Lớp năm là lớp bắt đầu giới thiệu về những khái niệm trừu tượng về văn hóa, phong tục, lòng yêu nước. Quý thầy cô nên nhân cơ hội gói ghém tình cảm yêu nước Việt Nam trong các bài giảng để học sinh hiểu về vẻ đẹp của người Việt Nam và tạo nên niềm tự hào là người Việt Nam cho học sinh. 

Khi học hết lớp 5, học sinh phải đạt được những điều sau đây:

  1. Học sinh có khả năng tìm được đại ý và phân đoạn bài học
  2. Học sinh có khả năng tìm từ ngữ đồng nghĩa và phản nghĩa trong phạm vi bài học
  3. Học sinh có khả năng viết một đoạn văn dài và phức tạp dựa theo các từ cho sẵn hoặc chủ đề
  4. Học sinh có khả năng đối thoại về nhà trường, xã hội, lịch sử Việt Nam, phong tục, tập quán, lễ lộc, gia đình, thức ăn Việt Nam
  5. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu

Hoàn tất 4 lần thi

Lớp 6

Các em bắt đầu giai đoạn tập viết một bài luận văn đầy đủ. Phương pháp dạy viết không đi vào những quy luật viết văn hay thể loại của bài văn vì điều quan trọng nhất trong việc viết văn là óc sáng tạo.  Hơn nữa kỹ thuật viết văn nên để học sinh ứng dụng những phương pháp đã học từ trường Mỹ sẽ thích hợp cho học sinh hơn . Vì thế những đề tài đưa ra thường quen thuộc để học sinh có thể tự do viết theo cảm nghĩ của mình. Các bài tập đọc đề cập những đề tài phong tục tập quán có tính truyền thống như ngày Tết, lịch sử, địa lý, gia đình, xã hội, … Các bài địa lý bắt đầu được đưa vào để học sinh có khái niệm về những địa danh quan trọng của Việt Nam. Bài tập đọc cũng trở nên dài hơn, vì thế việc viết chính tả có thể dựa vào một vài đoạn tiêu biểu. Tới trình độ này, học sinh phải cố gắng đọc một cách trôi chảy mà không nên ngừng lại để đánh vần chữ khó. Một cách tổng quát, các đề tài của bài tập đọc cũng như nội dung sách lớp sáu đang bước qua trình độ của học sinh thuộc lớp tuổi mới lớn (14 – 18). Các em bắt đầu hiểu được những vấn đề về kinh tế, xã hội, phong tục, con người. Vì thế vấn đề dạy Việt ngữ cũng nên kèm theo những bài học luân lý, đạo đức cũng như lòng yêu nước. 

Khi học hết lớp 6, học sinh phải đạt được những điều sau đây:

  1. Học sinh có khả năng tìm được đại ý, phân đoạn bài học dài, phức tạp
  2. Học sinh có khả năng giải nghĩa và đặt câu phức tạp
  3. Học sinh có khả năng viết một bài luận đầy đủ ( đề tài gia đình, nhà trường, xã hội, phong tục, tập quán, lễ lộc, gia đình, thức ăn Việt Nam)
  4. Học sinh có khả năng đối thoại về nhà trường, xã hội, lịch sử Việt Nam, phong tục, tập quán, lễ lộc, gia đình, thức ăn Việt Nam
  5. Làm bài và nộp bài đầy đủ và đúng kỳ hạn do thầy cô yêu cầu

Hoàn tất 4 lần thi